Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Tui thi đại học


Cái thằng tui hồi nhỏ là dân Sài Gòn đặc ruột. Ấy thế mà ông trời run rủi xui khiến tui nộp đơn thi vô Đại học Nông nghiệp 4 rồi cho tui đậu. Học 4 năm rưỡi ra trường, nhận nhiệm sở, gặp “Người đẹp Bình Dương” khiến tui mọc “rể” trở thành dân Bình Dương cho tới giờ. Hôm nay ngồi kể lại, trước để bà con đọc chơi, sau là lưu lại giấy trắng mực đen, ý lộn, hổng phải, lưu lại trên trang Nông Lâm Một Thời Để Nhớ để sau này lỡ có bị Alzheimer không kể lại được thì con cháu cũng có chỗ mà đọc.Thiệt tình mà nói, lúc học phổ thông, tui cứ nghĩ, tầm mình làm sao mà đậu đại học được! Nên học xong lớp 11 tui đã tính đường nhảy ngang, nộp đơn xin đi học nghề rồi đi làm. Tiếc là chẳng có chỗ nào nhận vì mới 17 tuổi. Thế là phải quay lại nghiệp bút nghiên thôi!Thời tui học, muốn đậu đại học là phải đi học luyện thi. Hiếm có ai không luyện thi mà đậu được. Lúc đó không có bộ đề thi đề thiếc gì để tham khảo hết! Đi học luyện thi chính là để làm quen với các dạng đề thi. Vô thi khỏi bỡ ngỡ. Làm bài mới được. Thế là đầu lớp 12, cả bọn tui rủ nhau đi học luyện thi. Toán, Hóa thì ok, thằng nào cũng phải học. Tới môn Lý thì chẳng thằng nào chịu đi học. Chúng nói, tao thi khối B, tao học Sinh. Rủ chẳng được đứa nào. Đi học 1 mình thì buồn. Đành phải nói, thôi tụi bây học Sinh tao cũng học Sinh. Đến lúc nộp hồ sơ thi đại học, lại chộn rộn chọn trường, chọn ngành. Lúc đó, tất cả các trường đại học trong cả nước đều tổ chức thi đồng loạt cùng ngày. Do đó, thí sinh chỉ được chọn dự thi duy nhất 1 trường và có 1 nguyện vọng đăng ký vào 1 trường trung học chuyên nghiệp nếu không trúng tuyển đại học. 
Thông tin về các trường cũng rất hạn chế, chủ yếu là truyền miệng. Đám bạn học thi khối B của tui có vài đứa thi Y, còn lại gần như dồn vào Nông nghiệp 4 hết. Thằng bạn thân cùng tên với tui, giờ chót thấy nộp đơn vô NN4 đông quá sợ đấu không lại nên rút hồ sơ, chuyển qua nộp đơn vô Sư phạm Kỹ thuật. Vì việc này, sau đó hắn phải lận đận lao đao, mãi tới 3 năm sau mới vào được khóa 11 NN4. Còn chọn ngành thì lúc đó trong đầu tui chỉ biết NN4 có trồng trọt và thú y. Má tui nói bả không thích thú y, thế là chìu ý má, tui chọn trồng trọt. Nhưng mà lúc đó tui dõng dạc tuyên bố “Phổ thông con bảo đảm đậu, đại học con chắc chắn rớt” làm ba má tui chửi tui quá trời.
Ngày đi nhận phòng thi, cả bọn kéo tới Trường cấp 2 Lê Quý Đôn ở đường Võ Văn Tần theo như ghi trong giấy báo thi, thì thấy cái bảng to tướng để trước cổng thông báo trung tâm thi dời về Trường cấp 2 Phù Đổng ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh. Ui cha chả là sướng. Số là nhà của Chí Nghĩa ở ngay hẻm đối diện với trường. Đi thi thì cứ tấp vô để xe nhà nó, tàng tàng mấy bước là tới trường thi, trưa thì cứ về nhà nó nghỉ, chiều đi thi tiếp, đỡ phải tốn thời gian chen lấn gởi xe, ăn bờ ngủ bụi. Đến khi vào nhận phòng thi, lại thêm một ngạc nhiên nữa cho cả bọn. Nguyên cả phòng thi đều là học trò trường Trưng Vương. Thì ra năm đó Trường NN4 sắp phòng thi theo đơn vị đăng ký dự thi chứ không theo tên của thí sinh. Lại thêm một lợi thế nữa, tha hồ hợp đồng tác chiến.
Buổi đầu tiên thi Toán, tui vào thi với tâm trạng vô cùng thoải mái. Không sợ làm bài không được vì chắc chắn mình rớt. Trước khi thi toán tui đã tâm niệm, dứt khoát bỏ các câu tích phân, bất đẳng thức, không lăn tăn. Thời may, bất đẳng thức không có câu nào, tich phân là câu tự chọn. Tui chọn khảo sát hàm số, thông thèm ngó tích phân. Đề thi năm đó tương đối dễ, tui làm ro ro (thật ra có quay qua quay lại hỏi chút chút), xong còn dư cả gần 30 phút. Nộp bài xong ra đứa nào cũng phấn khởi.
Buổi chiều thi Sinh, vẫn còn tâm trạng rất là thoải mái. Nếu tui nhớ không lầm thì chỉ có 1 câu lý thuyết yêu cầu giải thích sự đa dạng của sinh giới bằng các quy luật di truyền và 2 bài toán di truyền trong đó có 1 bài về nhân đôi ADN. Bài toán này đã góp phần làm cho nhiều thí sinh trượt vỏ chuối. Bài toán cho số lượng các loại nucleotide (A, T, G, X) trên 1 mạch phân tử ADN và số lượng nucleotide sẳn có trong tế bào dùng để nhân đôi. Thông thường thì cứ lấy số lượng nu sẳn có chia cho số lượng nu trong phân tử theo nguyên tắc bổ sung (A với T, G với X) thì sẽ ra số lượng phân tử ADN có được sau khi nhân đôi. Oái ăm thay, khi chia nó bị lẻ, mà trên nguyên tắc nó phải chẵn, vì số phân tử làm sao lẻ được. Chẳng lẽ đề cho sai?! Tui cũng hơi chựng lại, nhưng nhớ lời các thầy, đề không bao giờ cho sai mà có một cái gì đó đánh lừa thí sinh. Nhờ tâm lý thoải mái, rất nhanh tui nhận ra cú lừa của người ra đề. Cấu tạo phân tử ADN là chuỗi xoắn kép có 2 mạch liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung và như vậy số lượng nu của mạch này sẽ bằng số lượng nu của loại theo nguyên tắc bổ sung của mạch kia. Cụ thể số lượng nu A của mạch này sẽ bằng số lượng nu T của mạch kia và ngược lại. đối với G và X cũng vậy. Tóm lại ADN được tổng hợp từ mạch bên kia chứ không phải từ mạch đề cho thông tin. Thế là với một vài câu lý luận, chuyển A thành T, G thành X, tui giải bài toán ngon ơ. Làm xong 2 bài toán di truyền, thoát được cú lừa ngoạn mục, tâm lý tự mãn tràn ngập trong tui, tui gát bút ngồi chơi, không thèm làm câu lý thuyết (không phải không thuộc bài đâu nghen, các quy luật di truyền tui nhuyễn như cháo). Khoảng 15 phút sau, Chí Nghĩa ngồi bàn cũng khá xa phía trên quay xuống nói với tui: “đề sai, đề sai”. Tức thì tui nói với lên: “đề không sai, tổng hợp mạch bên kia, tổng hợp mạch bên kia”, vừa nói tui vừa lấy tay ra dấu. Thầy giám thị trừng mắt nhìn tui: “em kia, không làm ồn”. Chí Nghĩa nhận ra ngay, lấy viết gạch gạch bài làm (chắc nãy giờ lý luận đề cho sai) rồi viết lại như chạy đua. Ngồi không riết cũng chán, tui nghĩ lại thôi thì làm câu lý thuyết, được điểm nào hay điểm đó. Tiếc là viết được có vài câu thì hết giờ.
Buổi sáng hôm sau thi môn Hóa, nhờ khỏi phải chen chúc gởi xe, bọn tui vào phòng thi rất sớm. Phòng thi vẫn như cũ nhưng thầy giám thị đã thay đổi vị trí thí sinh, không cho ngồi như cũ. Nhưng cả phòng thi đều là dân Trưng Vương nên xào cỡ nào thì cũng là bồ tèo ngồi gần nhau cả. Thế mà tụi tui khờ quá, thay vì giả bộ làm mặt lạ, để lát nữa làm ăn thì lại nói chuyện râm ran, cười hí hố. Thế là thấy giám thị tới: “À, mấy cậu này quen nhau hả?”, rồi thầy nhìn tui: “Còn cậu này, hôm qua làm ồn trong phòng thi nè, không cho cậu ngồi đây nữa, qua dãy bên kia cho tui”. Xui cho tui, qua chỗ ngồi mới, nhìn quanh thấy toàn dân chuyên gia thi lại, không nhờ cậy gì được rồi! Cũng may, khi đọc đề thi tui nhắm làm được hết, cũng an tâm. Thế nhưng lại phát sinh một chuyện khác. Tui biết anh chàng ngồi kế bên tui không làm bài được nên làm xong tờ nào tui cũng để qua bên cho hắn chép. Khổ nổi chữ của tui quá xấu (nổi tiếng khắp nơi cho tới giờ luôn đó), nên lâu lâu hắn lại khều tui: “Ê, mày viết cái gì mà tao đọc hổng ra!”. Rồi một anh ngồi sau lưng cũng lâu lâu khều tui: “Ê, câu 2 làm sao?” rồi lát “Ê, câu 3 làm sao?”. Làm bài mà bị phân tâm bởi mấy việc đó nên khi về nhà xem lại đề mới biết tui bị sót hết mấy câu phụ, tính ra cũng mất hết 1,5 điểm.
Tiếp theo đó là những ngày dài chờ đợi kết quả. Tui ngồi cộng cộng, trừ trừ nhắm mình được khoảng 18 điểm. Thế nhưng nghe đồn điểm chuẩn khối B trường NN4 của thí sinh nội thành TPHCM thường là khoảng 19 điểm. Thế là đâm lo và tiếc, phải chi chịu khó làm cho đàng hoàng câu lý thuyết môn sinh và không bỏ sót mấy câu hóa thì được thêm mấy điểm, vượt ngưỡng an toàn rồi. Mấy đứa bạn nói, mày tức cười thiệt, người ta trước khi thi thì lo, thi xong thì khỏe, còn mày trước khi thi thì tỉnh queo, thi xong thì lo, sợ rớt là sao?! Tui nói, chẳng thà làm bài không được, chắc chắn rớt thì khỏe re, đằng này tao ở chỗ mấp mé, lỡ thiếu có nửa điểm hoặc 1 điểm mà rớt thì đau hơn hoạn. Đến đâu khoảng giữa tháng 8, Chí Nghĩa khoe, tao nhờ mợ tao coi điểm được rồi, tao được 23,5 điểm (toán 9,5; sinh 8,5, hóa 5,5). Thật ra, Chí Nghĩa rất giỏi hóa, nhưng hôm đó nó bị gãy bài toán hóa do hấp tấp tính nhẩm sai nên lập phương trình sai, giải ra vô nghiệm, không kết luận được. Nếu không thì chắc năm đó nó nằm trong tốp đầu của trường rồi. Tui la, sao mày không nhờ coi giùm tao luôn, nó nói tao có nhớ số báo danh của mày đâu mà coi, huề luôn. Hồi đó, điểm thi không được công bố công khai như sau này, thí sinh biết điểm là do quen biết nhờ coi giùm thôi. Phần tui do không quen biết nên chẳng nhờ cậy ai được. Lo càng thêm lo. Đến khoảng giữa tháng 9, một bữa đi làm thêm về ghé Chí Nghĩa, nó khoe: “Tao vừa nhận được giấy báo”. Thế là chẳng nói chẳng rằng, tui quay xe ngay, đạp một mạch về nhà. Ba tui ra mở cửa, tui hỏi ngay: “Hôm nay con có thư hông ba”, ba tui nói: “Đâu có thấy gì đâu!”, buồn. Thế là một đêm không ngủ! Sáng hôm sau, tui xin nghỉ làm, rủ mấy đứa đi coi kết quả. Chạy ra Đinh Tiên Hoàng thì người ta nói trường dời hết lên Thủ Đức rồi. Thế là cả bọn túc tắc đạp xe lên Thủ Đức. Đến sân chữ U, hỏi thăm thì có người chỉ vô phòng Tổ chức nhưng nói thêm không chắc người ta cho coi. Thôi đã lỡ lên đến đây rồi thì cứ đánh liều một phen. Thế là tui rón rén vô phòng Tổ chức. Một cô ngồi ngay cửa phòng hỏi: “Có chuyện chi không em?”. Tui trình bày: “Dạ, em với bạn em thi làm bài ngang nhau, bạn em có giấy báo rồi còn em chưa có, nên em lên xin coi kết quả”. Cô trả lời: “Nhà trường đã gởi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh hơn 1 tuần rồi, nếu em không nhận được có nghĩa là em không trúng tuyển. Còn trường không được phép công bố công khai kết quả nên em có muốn coi cũng không được”. Đang đứng xớ rớ không biết sao thì thời may có một anh đi vào đưa cho cô ấy một mảnh giấy và nói: “Nhờ cô coi giùm mấy đứa này có đậu không?”. Thế là cổ mở sổ ra rà danh sách, nhân tiện cô hỏi tui: “Em tên gì?” “Dạ, Nguyễn Anh Nghĩa, cô” “Ô, em có tên nè, vậy là đậu rồi, cô chúc mừng em nghe”. Liếc vào sổ, tui thấy tên tui với 3 cột điểm, toán 9 + sinh 5,5 + hóa 8, tổng cộng 22,5. Có một điều lạ là tên tui bị gạch đít và ghi bằng tay 2 chữ nn ở cuối hàng. Thôi vậy là mừng rồi, tui cám ơn cô rối rít rồi chạy ra. Chuyện của tui chưa dừng lại ở đó đâu nghen. Để nghe tui kể tiếp. Cả bọn lục tục đạp xe về, đến nửa đường thì tui sực nhớ, lo coi tên, coi điểm mà quên coi số báo danh. Lỡ có đứa nào trùng tên với tui thì sao?! Chuyện này đâu phải hiếm. Tui kêu tụi nó quay lại trường nhưng chẳng còn đứa nào thiết tha quay lại. Bạn Q. Huy gợi ý về Ban tuyển sinh Thành phố ở đường Nguyễn Đình Chiểu hỏi thăm chắc cũng được. Thế là cả bọn đạp xe về đó. Khi vào thì thấy có mấy thầy cô đang ngồi ở ghế sô pha giữa phòng nói chuyện. Một cô hỏi: “Có chuyện gì không mấy em?” Tui trình bày: “Dạ cô, em thi NN4 có danh sách trúng tuyển nhưng vẫn chưa nhận được giấy báo không biết có trục trặc gì không”. Cô nói ngay: “Em là Nguyễn Anh Nghĩa phải không? Trường chuyển hồ sơ của em về đây đề nghị cho em đi học nước ngoài nhưng diện thí sinh của em là dân thường nên em chưa đủ điểm để đi. Ban sẽ gởi hồ sơ của em trở về trường, trường sẽ gới giấy báo cho em sau. Em an tâm”. Tui vọt miệng hỏi thêm: “Dạ, có phải số báo danh của Nguyễn Anh Nghĩa đó là 330 không cô?” Cô cười và nói: “Cô nhớ tên em là hay lắm rồi, chứ số báo danh làm sao cô nhớ. Thôi em an tâm, cứ về nhà chờ giấy báo”. Thế là tui đã hiểu tại sao tên tui bị gạch đít, và ý nghĩa của 2 chữ nn. Nhưng vấn đề mấu chốt là đó có phải là tui không, vẫn chưa được giải đáp. Làm sao bi giờ?! Tui chợt nhớ còn một chỗ có thể hỏi thăm là Phường đội vì năm đó UBND thành phố có can thiệp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cho phép các thí sinh trúng tuyển đại học được hoãn thi hành NVQS. Danh sách được gởi về địa phương nắm. Tui chạy lên Phường đội thì gặp ngay anh phường đội trưởng, lúc trước có thời gian tui sinh hoạt đoàn ở phường nên 2 anh em có biết nhau. Gặp tui ảnh nói ngay: “Nghĩa hả, chúc mừng nghen, về mở tiệc ăn mừng đi”. Tui hỏi lại: “Vậy là em đậu đại học hả anh?” “Chứ còn gì nữa, cậu mà rớt là tui vớt cậu đi nghĩa vụ đợt này rồi” vừa nói anh vừa cười. Mừng quá, thế là 90% là tui rồi, nhưng dù sao chưa cầm được giấy báo thì tui vẫn lo. Suốt một tuần sau đó, ngày nào tui cũng đạp xe lên trường để hỏi thăm. Mãi đến chiều trước ngày thông báo tập trung 1 ngày, tui đi rước má tui đi làm về tới nhà thì ba tui chạy ra: “Có rồi có rồi, con có thư của Đại học NN4 nè”. Xé vội thư ra thấy tờ giấy in roneo với dòng chữ “Giấy báo nhập học” và phía dưới là tên của mình, tui mới thở phào nhẹ nhõm.
Nguyễn Anh Nghĩa Trồng trọt 8B - Cao su 8.

Nông Lâm - Một Thời Để Nhớ | Tui thi đại học | Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét