Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

Tui học tiếng Anh (tiếp theo)




Thời gian trước đó, các anh chị đi trước ở Viện thường đi học tiếng Anh tại Đại học Tổng hợp. Lúc tui được cho đi học (1990) các kỳ thi TOEFL bắt đầu được tổ chức do Bà Giáo sư Judith Ladinsky, Giám đốc Ủy ban hợp tác khoa học với Việt Nam và Lào khởi xướng, nhằm tuyển chọn những người có khả năng, cấp học bổng cho họ sang Mỹ du học. Theo tui biết, Trung tâm Anh ngữ Đại học Nông lâm là cơ sở đầu tiên tổ chức dạy luyện thi TOEFL cho học viên. Mấy anh chị trong cơ quan khuyên tôi nên xin đi học ở đó có chất lượng hơn là đi học bên Tổng hợp. Tui cũng nghĩ học ở đó được thi lấy chứng chỉ quốc tế rồi biết đâu chó táp phải ruồi được điểm cao, xin được học bổng đi qua Mỹ học thì còn gì bằng. Có điều học phí khá là cao, tui nhớ là 350 ngàn/khóa 6 tháng trong khi lương tui lúc đó chỉ có khoảng 30 ngàn/tháng. Rồi tui cũng đánh liều cầm đơn lên gặp chú Mười Viện trưởng và thiệt là may mắn, chú đồng ý. Tui tức tốc đạp xe lên Trung tâm ở Thủ Đức. Đi vào thì gặp ngay thầy Thịnh. Thầy vẫn còn nhớ tui nên gặp tui Thầy mừng lắm. Thầy hỏi thăm công việc, gia đình và Thầy chúc mừng khi biết tui đã ổn định và giờ còn được cho đi học tiếng Anh. Thầy cho biết sắp tới Trung tâm sẽ mở thêm cơ sở 2 ở Ngô Gia Tự, tui có thể đăng ký học ở đó cho gần. Thế là tui xuống Ngô Gia Tự đăng ký và gắn bó với nó suốt một năm sau đó.
Trước khi vào học, Trung tâm tổ chức thi xếp lớp bằng đề thi TOEFL, tui được 357 điểm và được xếp vào lớp 300B. Sĩ số lớp lúc đó chỉ có khoảng hơn 20 học viên nên học khá thoải mái không phải chen chúc như hồi học luyện thi đại học và ít người thì tương tác giữa giáo viên và học viên cũng tốt hơn. Thời gian học thì tuần lễ học 5 ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, mỗi ngày học 5 tiết. Học đâu được một thời gian ngắn thì tui gặp lại cô Hiếu, Cô được giao phụ trách cơ sở 2 Ngô Gia Tự. Đi học mà gặp lại Thầy Cô cũ thì vui lắm. 
Chủ trương của Trung tâm là dạy cho học viên luôn cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết mặc dù đề thi TOEFL lúc đó chỉ có nghe, cấu trúc văn phạm, đọc hiểu, chưa có thi nói (vấn đáp) và viết như bây giờ. Chủ trương như vậy nên giáo trình cũng rất đa dạng do nhiều Thầy Cô dạy. Về nghe thì thầy Hùng dạy How to Survive in the USA, thầy Bá dạy VOA Special English. Về nói thì cô Phương Anh dạy Speaking Naturally (Cô chỉ dạy một thời gian ngắn thì nghỉ, dường như Cô đi học tiếp. Sau này tui xin kết bạn được với Cô trên FB), một cô nữa dạy Say It Naturally, cô rất đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ, vậy mà không hiểu sao tui lại quên tên Cô. Về đọc và văn phạm thì có thầy Cơ dạy TOEFL Cliffs. Về viết thì có thầy Chánh dạy…! hi hi tui quên mất tên giáo trình đó rồi. Ngoài ra còn có giáo viên nước ngoài dạy public speaking nữa. Tui chỉ nhớ có bi nhiêu đó thôi chứ thật ra còn nhiều Thầy Cô dạy nhiều giáo trình khác nữa. À quên, lâu lâu thầy Thịnh cũng xuống giảng và có thầy Trần Kim Nở, tiến sĩ học ở Mỹ, Thầy lớn tuổi rồi mà phong thái rất hippi, tui không nhớ thầy dạy giáo trình nào, chỉ nhớ Thầy dạy rất vui và hay kể chuyện lúc Thầy đi học ở Mỹ. Cả lớp nghe say sưa, nhiều khi cười rần lên khi Thầy kể chuyện vui. Trong mắt tui lúc đó Thầy như một tượng đài cao vời vợi, cứ nghĩ không biết sau này mình có đạt được học vị như Thầy không! Mà có một điều khác với bình thường, lớp học rất là thoải mái, không có điểm danh, không thích giờ này thì có thể nhảy qua lớp khác học, y như ở Mỹ (hi hi, tui đoán mò vậy thôi chứ có được học ở Mỹ đâu mà biết!). Có lúc cả bọn rủ nhau lên Thủ Đức học, gặp thầy Thịnh, Thầy cười bảo “hôm nay lên đây học hen”.
Môn học mà tui thích nhất và nó giúp tui tiến bộ nhiều nhất là môn nghe VOA Special English. Chương trình này có nhiều chủ đề đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau như Words and their stories, Science in the news, Science report, Agriculture report, Development report; The making of a nation… Phát thanh viên phát âm rất chuẩn nhưng tốc độ đọc chậm, chỉ bằng 2/3 bình thường nên rất dễ nghe. Vừa luyện nghe lại được học thêm từ mới ở nhiều lĩnh vực. Mỗi tuần lớp chỉ có vài tiết học môn này thôi. Mấy tuần đầu học môn này tui cảm thấy rất thú vị nhưng thời gian học ít quá nên cũng không có tác dụng gì mấy. Tui bàn với bà xã hốt hụi mua cho tui cái radio catsette cũ, mua thêm mấy cuộn băng. Thế là hàng ngày tui canh lúc 5h30 sáng hoặc 10h30 tối (tui chỉ nhớ mài mại, không biết có đúng không!) là giờ đài phát bài, ghi âm lại bài đọc, rồi đến trưa chiều đi học về bật băng nghe và viết lại. Có lúc đài phát rõ, có lúc bị nhiễu rồ rồ, rẹt rẹt, nghe cũng ù ù, cạc cạc luôn. Lúc đầu viết tui cũng còn bỏ trống nhiều lắm, nhưng sau vài tháng tui thấy tiến bộ hẳn, có thể viết gần như toàn bộ. Mấy bạn trong lớp thấy tui làm vậy cũng làm theo. Mỗi sáng trước giờ học lại mượn tập nhau để rà lại bài. Thầy Bá biết được vui lắm. Sau đó Thầy hay kêu tui lên bảng viết lại bài. Thầy nói “cậu này khá, có thể đi dạy được đó, nhưng mà chữ viết của cậu xấu quá trời quá đất!” he he . 
Nghĩ lại lúc đó tui khờ quá, Thầy nói thì biết vậy thôi chứ phải chi nhân cơ hội đó, tui nhờ Thầy giới thiệu với cô Hiếu cho tui đi dạy mấy lớp thấp thấp, kiếm thêm một ít tiền mua sữa cho con cũng đỡ. Vừa rồi kết nối lại được với cô Hiếu, tui có hỏi thăm về Thầy thì biết Thầy vừa mất. RIP Thầy! Nghe riết rồi tui không chỉ nghe tốt mà tui cũng nhiễm luôn cách nói. Tui phát biểu trong giờ public speaking cứ ề à chậm rãi. Mấy bạn cười bảo tui “anh nói y như đài VOA”.
Học được 3 tháng thì Trung tâm tổ chức thi kiểm tra, mà cũng thoải mái, ai thích thì thi, không thích thì thôi. Ban đầu có nhiều bạn không thèm thi nhưng tui thuyết phục nên thi “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” để biết trình độ mình tới đâu và nhất là thi cho quen để mai mốt thi chính thức tốt hơn. Thế là cũng có thêm một số đăng ký thi. Kỳ đó tui được 463 điểm, đứng thứ nhì Cơ sở Ngô Gia Tự. Hôm báo điểm, cả lớp xôn xao, ai cũng nói tui vô lớp ngồi im như cục bột, chẳng nói chẳng rằng vậy mà điểm cao quá, đúng là “lầm thầm mà đấm chết voi”. Từ đó tui được bạn bè trong lớp chú ý nhiều hơn. Đến lần thi thứ hai vào cuối tháng 3/91 tui được 517 điểm và được cấp Certificate of Proficiency in English. Quá sướng luôn, nhưng về cơ quan tui dấu biệt, không dám nói với ai. Sợ khoe ra thì không được đi học tiếp vì coi như đã đạt trình độ rồi. Lúc đó cũng vừa hết khóa 6 tháng, phải đóng học phí cho khóa kế tiếp nữa. Tui cầm cái đơn xin học phí mà hồi hộp, gặp chị Hạnh kế toán trưởng thăm dò trước, chị bảo “lúc này Viện đang khó khăn, nhưng thôi em cứ vào trình chú Mười xem sao”. May mắn lại đến với tui, chú Mười đọc đơn xong duyệt luôn, chú dặn “ráng học tốt nghen con”. Tui chỉ biết dạ mà trong bụng mừng rơn. Thế là được học tiếp, không bị đứt gánh giữa chừng. Đến khoảng cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 gì đó, chuẩn bị có kỳ thi TOEFL chính thức, trường lại tổ chức kiểm tra để tuyển chọn học viên. Bạn nào có điểm trên 500 sẽ được tài trợ đi thi chính thức. Lệ phí thi lúc đó nghe nói đâu khoảng hơn 100 USD, số tiền khá lớn so với mặt bằng thu nhập lúc bấy giờ (lương tháng của tui chỉ tương đương với 3 USD thôi). Lần này thần may mắn đã không mỉm cười với tui. Hồi đó, trung tâm chưa có audio lab với cái head phone cho mỗi thí sinh đâu, chỉ có cái catsette để ở giữa phòng. Hôm thi, tui ngồi khá xa cái máy catsette nên nghe ù ù cạc cạc, không rõ. Listening thế là thua. Phần reading thì mấy bài text chủ yếu là về khoa học xã hội, cũng thua luôn. Cuối cùng tui không đạt được trên 500 điểm để có tấm vé đi thi. Buồn! Đến cuối tháng 8, kiểm tra lần thứ tư tui được 520 điểm. Coi như dậm chân tại chổ, không có tiến bộ gì! Đến tháng 10, hết thời hạn học 1 năm, tui phải quay về cơ quan làm việc. Sau đó khoảng 1 tháng, Trung tâm lại tổ chức thi để tuyển chọn học viên đi thi chính thức. Mấy bạn trong lớp vận động thầy Thịnh cho tui về thi, Thầy chấp thuận. Thế là tui được thi thêm 1 lần nữa. Lần đó chỉ cần 490 điểm là được tài trợ đi thi. Vậy mà, chời ơi! Các bạn biết tui được bao nhiêu điểm hông? 487 điểm! Theo cách tính điểm của TOEFL (có công thức tính hơi lòng vòng) thì bình quân 1 câu được 3 điểm. Có nghĩa là tui chỉ cần chọn đúng thêm 1 hoặc 2 câu nữa trong cả trăm câu là tui đã được lọt vào danh sách rồi! Các bạn lại tiếp tục vận động thầy Thịnh nhưng Thầy bảo đã đặc cách cho tui về thi rồi, giờ mà đặc cách nữa thì sợ người ta nói ra nói vô. Thôi thế là ước mơ được đi thi chính thức, tìm kiếm cơ hội qua xứ sở thiên đường của khoa học để tầm sư học đạo đã bay xa bay xa!
Thật là một thiếu sót lớn nếu tui không kể về những người bạn cùng lớp đã đồng hành cùng tui trong thời gian đó. Đa phần các bạn là những người trẻ. Các bạn đi học tiếng Anh để chuẩn bị xuất cảnh định cư hoặc học tập. Bạn đầu tiên tui muốn nói đến là Vương Khuê, người đã tích cực vận động cho tui được trở về Trung tâm thi đợt cuối và xin cho tui được tài trợ đi thi. Khuê sau đó sang Mỹ học. Năm 96, cả nhà tui đang ở Malaysia, Khuê viết thư cho tui nhờ biết địa chỉ do bé Hạnh báo. Khuê khoe gặp được thầy Thịnh và thầy Nở bên Mỹ, có gởi cho tui tấm hình chụp với gia đình thầy Nở và gia đình thầy Thịnh. Tui về VN thì hai anh em bặt tin. Đến 2008, tui vừa ở Lab về (tui cũng lại đang học ở Malaysia) thì có điện thoại Khuê gọi cho anh bạn cùng cơ quan đang học chung và ở chung nhà. Nói chuyện mới biết, Khuê tình cờ tìm thấy số điện thoại cơ quan tui. Khuê gọi thử và được người nhận điện cho số của anh bạn. Vậy là tụi tui lại kết nối được với nhau. Giờ Khuê đi đi về về, lâu lâu lại nhắn tin hỏi thăm nhau, có dịp lại gặp nhau hàn huyên tâm sự. Bạn thứ hai là Quốc Dũng. Dũng rất giỏi tiếng Anh và nói cũng rất lưu loát. Trong lớp, giờ public speaking Dũng hay xung phong lên và hay trình bày quan điểm ngược ngạo để các bạn trong lớp tức khí phát biểu tranh luận nhờ vậy các bạn dạn hẳn lên và không khí lớp cũng sôi động hơn. Dũng chú ý đến tui từ sau lần thi thứ nhất. Cứ lúc rảnh là Dũng xáp vô tui nói tiếng Anh, lúc đầu ngại, Dũng hỏi gì tui cứ “I don’t know”. Dũng bảo “Anh học khá mà giao tiếp không được thì cũng như không, anh dạn nói đi, đừng ngại, đừng sợ sai, mình đi học, mình nói sai chẳng ai cười mình mà vậy mới sửa được, chứ không nói thì biết sai ở đâu mà sửa”. Nghe lời Dũng tui từ từ dạn lên, cứ nói “búa xua ly” (thành ngữ của lớp lúc đó), sai thì sửa. Tụi tui đứt liên lạc luôn từ khi tui nghỉ. Vừa rồi tui kết nối FB với một bạn trong lớp, xem lại hóa ra Quốc Dũng và bạn này đã thành đôi. Chúc Mừng hai bạn. Bạn thứ ba là Hưng, bạn nhà ở đường Trần Kế Xương gần chợ Bà Chiểu, còn tui ở Long Vân Tự, Bạch Đằng. Do vậy nên 2 anh em đi học về cùng đường. Cứ đi song song nhau tán chuyện và chỉ được nói tiếng Anh. Coi như được học thêm 1 tiết talking. Cứ như vậy đến khi tui sắp nghỉ thì Hưng cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ định cư. Bạn bè trong lớp cũng đi tiễn. Vừa rồi tụi tui kết nối lại với nhau qua FB, nhắc lại chuyện xưa, cả hai bổi hổi bồi hồi. Một bạn nữa không thể không nhắc đến là Hạnh, khá là lí lắc trong lớp. Hạnh hay nói chuyện với tui, coi tui như người anh thân thiết vậy. Năm 96, Hạnh viết thư cho tui gởi về địa chỉ ở VN. Ở nhà nhận được chuyển qua Malaysia cho tui. Tui hồi âm liền. Hạnh mừng lắm. Em cho biết đang ở Minnesota và đang đi học. Em cũng báo tui biết tình hình các bạn trong lớp mà em còn liên lạc và thông báo địa chỉ của tui cho mọi người biết. Nhờ vậy Khuê cũng viết thư cho tui. Thư đi tin lại một thời gian, tui học xong quay trở về VN thì hai anh em bặt tin nhau. Tui ráng tìm Hạnh nhưng tới bây giờ vẫn chưa được. Địa chỉ cũ của em là ở trường nên giờ chắc không còn giá trị. Tìm trên FB thì vẫn chưa ra! Còn nhiều nhiều bạn nữa mà tui không thể kể hết. Nhờ FB tui kết nối lại được với Trí, Thủy, Hải, Hưng, Diễm Phương (bà xã Quốc Dũng). Vương Khuê thì không kể vì tụi tui kết nối được với nhau trước đó rồi. Còn Hạnh, Đào, Hồng Phúc, Bảo Trân, Bảo Hoàng, Dũng, Mumble girl (bạn này tui quên mất tên, chỉ nhớ nick)… các bạn bây giờ ở đâu?!
Nhớ lại khoảng thời gian đó, có khổ cực, có vui, có buồn nhưng đó là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của tui. Có được thêm nhiều bạn bè thương mến. Sau một năm, tiếng Anh của tui được cải thiện rõ rệt, nhất là kỹ năng nghe và nói. Tất cả trở thành hành trang cho tui bước tiếp trong cuộc sống, học tập và nghiên cứu sau này.

Nguyễn Anh Nghĩa - Cao su 8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét